Lại sachcuatrang nữa!

Bán văn để nuôi văn

  • Bài gần đây

  • Lưu trữ

  • Blast

  • Dành cho người quản trị

Archive for the ‘Uncategorized’ Category

Thông báo chuyển blog và web

Posted by tranthutrang trên Tháng Ba 10, 2009

Từ ngày 15/03/2009, tôi chuyển mọi sinh hoạt sang web chính thức mới: www.tranthutrang.net. Những web/blog cũ như www.sachcuatrang.com hay blog Thieu_iot ở Yahoo 360 vẫn tồn tại nhưng sẽ không được cập nhật thường xuyên nữa. Cảm ơn các bạn đã quan tâm, theo dõi, ủng hộ và không ủng hộ lắm trong suốt thời gian qua. Hẹn gặp lại tại:

Posted in Uncategorized | 6 Comments »

17.02, zai gái súng sẹo

Posted by tranthutrang trên Tháng Hai 17, 2009

Mình đặt tên entry nghe loảng xoảng như phim Hongkong, câu khách như phim Hollywood, mình phục mình quá!

Tựa: Hồi năm 2005, một người bạn gái sexy nhẹ dạ của em viết nhật ký du lịch kể chuyện đi đây đi đó bên Tàu rồi quẳng lên một cái diễn đàn nho nhỏ do em cai quản. Đa số các mẩu nhật ký ấy có ý tứ gút mở, trôi chảy hấp dẫn. Nếu bạn em đừng mải đi bụi và đong zai mà đầu tư có trọng điểm hơn tí chút thì chúng đã thành truyện ngắn hoặc tản văn ngon của ló.

Năm đó, em mới viết xong hai cái tiểu thuyết rẻ tiền lấy phải cốc tai, tinh thần văn học nói chung đang bốc lên nghi ngút, đọc nhật ký du lịch của bạn thấy vô cùng ngứa ngáy, bèn thử đem một mẩu về nhà. Sau khi gọt vỏ, bỏ hạt, cắt miếng, xay nhuyễn, thêm tí đường tí sữa, em thu được cái này. Nay, nhân kỷ niệm 30 năm “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, em mạn phép bạn em cho lên blog để khoe được với nhiều người hơn.

Người lái taxi ở Đại Liên

Nguyên bản: Ran lang thang
Xay nhuyễn gia: Thieu_iot

Sáng mùng 2 Tết, đường phố không đông nhưng không quá thưa thớt. Người đi chúc Tết lù xù trong những chiếc áo khoác dày cộp, trên tay là phong bao hay gói quà đỏ rực như những đốm lửa đối chọi với màu tối của trang phục. Người tài xế taxi tư nhân cao lớn mở cửa xe cho tôi, gương mặt phong trần thoáng nét dữ dội nở một nụ cười nhẹ nhõm:

– Cung hỷ phát tài!

Tôi cũng mỉm cười nhắc lại câu chúc của anh ta rồi chui vào, lọt thỏm trên băng ghế sau rộng thênh ấm sực. Xe đi men theo rìa bán đảo hướng ra bờ biển. Đường vắng tanh không một bóng người, vài cây thông nhỏ bé in trên nền trời xám nhạt, dưới kia là mặt biển xanh biêng biếc. Ánh nắng hiếm hoi phản chiếu trên mặt tuyết làm chói mắt. Nếu người lái xe không lên tiếng bắt chuyện, tôi đã nghĩ rằng chỉ có mình và một màu trắng xoá tinh khôi này. Lơ đãng lắng nghe thắc mắc về chuyện “một cô gái miền nam nhỏ bé mới 18 tuổi đầu lại có thể không về nhà ăn Tết mà một mình lặn lội tới miền tuyết trắng hoang vu này”, tôi trả lời với vẻ ậm ừ, hơi ngơ ngác. Chẳng biết có nên đính chính với anh ta rằng mình đã qua cái tuổi 18 gần một thập kỷ rồi hay không… Cuối cùng tôi quyết định nên để yên cho suy đoán ấy.

Bờ biển Kim Thạch Than hoang vắng, những tảng đá xù xì lạ mắt nằm ngổn ngang như ăn vạ, gió buốt như thể châm kim vào mặt. Một con chó đen nhảy xổ ra sủa ầm ĩ. Hai người đàn ông chạy tới suỵt chó rồi đứng nhìn tôi với vẻ lạ lẫm. Người lái xe vượt lên chào họ rồi chỉ tay về phía tôi:

– Cô bé này ở miền nam lên, muốn thuê thuyền ngắm biển.

Hai người đàn ông lại trố mắt nhìn tôi thêm một lượt. Ai lại tới thành phố biển “nghỉ mát” vào mùa tuyết trắng kia chứ! Nhưng rồi họ cũng gật đầu, vẫy tay mời tôi vào nhà chòi chứa dụng cụ đi biển để lấy áo phao. Người lái xe chờ tôi thoả thuận giá cả xong rồi mới chầm chậm đi ngược lên chỗ đỗ xe đứng đợi. Chiếc áo dựng cao cổ to xù và dáng người sừng sững in trên nền trời như thể một bức tượng đá cổ.

Tháo thẻ nhớ đã đầy nghẹt ra thay bằng chiếc dự phòng, tôi giơ máy chụp người lái xe đang bước tới. Vừa đỡ ba lô cho tôi, anh vừa hỏi:

– Chụp được nhiều ảnh đẹp chứ?

Tôi mỉm cười thay cho câu trả lời. Còn thừa thời gian để quay về và lên tàu, chuyến tham quan Đại Liên trong dịp Tết của tôi có thể coi là kết thúc tốt đẹp. Tôi duỗi đôi chân tê cứng vì lạnh và hỏi người lái xe thêm về những thắng cảnh, di tích của thành phố.

– Em đã đến công viên Tinh Hải chưa?

Tôi gật đầu.

– Rồi à, thế thì khu phố tây vậy?

– Kiến trúc như thế ở đất nước tôi có rất nhiều.

– Ồ, vậy ra em không phải người miền nam ư?

– Người Việt Nam – tôi cười khẽ – Cũng ở miền nam đấy!

Không có nụ cười thân thiện làm dịu những nét dữ dội như tôi tưởng. Ánh mắt người đàn ông nhìn tôi rất lạ, cái vẻ hơi hoang mang và… nghiệt ngã. Anh cho xe chạy chậm lại, nói với giọng khô khan:

– Em biết không, tôi đã từng tham gia chiến tranh biên giới Việt Nam.

Rồi anh cúi xuống kéo ống quấn lên, trên bắp chân to lớn là một vết thương sâu hoắm.

– Đạn người Việt Nam bắn vào đấy.

Trong một thoáng, tôi đờ người ra mông lung.

– Khi em còn chưa ra đời thì tôi đã bị thương thế đấy. Ngày ấy tôi còn trẻ măng, cao lớn đủ tiêu chuẩn đi lính. Tôi xuống miền nam tham gia chiến tranh.

Người đàn ông với chiếc quần vén ngang bắp chân cho xe chạy như thể sợ bị bắn tốc độ, âm điệu miền bắc với những chữ uốn lưỡi nằng nặng hoà lẫn tiếng gió rì rì bên ngoài:

– Lúc bình thường binh lính hai bên còn sang nói chuyện vui vẻ với nhau, mời nhau hút thuốc. Nhưng chỉ cần mệnh lệnh của chỉ huy là hai bên sẵn sàng nổ súng ngay… Mà này, người Việt Nam em giỏi đánh nhau thật đấy. Không những chỉ đàn ông làm lính mà có đàn bà, trẻ con và người già đều tham gia.

Tôi thoáng mỉm cười, cố không để mắt mình hiện lên một cái gì đó giống niềm tự hào. Tôi biết thứ đó không cần thiết bằng sự chờ đợi, như lúc nãy anh đã chờ tôi gần hai tiếng đồng hồ trong gió biển buốt lạnh.

– Hồi đầu, bọn tôi không biết đâu. Lệnh trên ban ra là chỉ tấn công lính Việt Nam không được giết dân thường nhất là phụ nữ và trẻ con. Nhưng hồi đó ông đại đội trưởng của tôi biết phụ nữ Việt Nam cũng tham gia chiến tranh nên một lần ông ta gặp một toán phụ nữ, ăn mặc bình thường nhưng có dấu hiệu khả nghi. Ông ta thấy họ có súng nên ra lệnh nổ súng giết hết. Sau đó ông ta tự sát, trái quân lệnh mà. Sự kiện đó gây chấn dộng và từ đó lệnh trên ban xuống là bất kể là đối phương ai chỉ cần đi lại trong lãnh địa quân sự thì có quyền bắn .

Người đàn ông đánh tay lái tránh một đống tuyết trên đường, giọng thản nhiên, lạnh lùng. Dường như khi đã chứng kiến nhiều cái chết người ta sẽ chai lỳ. Tôi im lặng nghe. Anh không hề nói bên nào đúng bên nào sai như một số người Trung Quốc bây giờ hay nói mỗi khi gặp người Việt Nam. Tôi nghe tiếng anh thở hắt ra rồi lẩm bẩm:

– Trong cuộc chiến tranh đó không có ai là hảo hán. Với tôi, một vết đạn suýt làm tôi đi tập tễnh cả đời đã là quá đủ.

Rồi anh ngoái hẳn lại nhìn tôi:

– Em liều đấy. Tôi không ngờ có ngày tôi gặp lại một cô gái Việ
t Nam ở cái xứ lạnh xa xôi này. Em biết điều gì sẽ xảy ra nếu em nói với tôi từ đầu rằng em là người Việt không?

Tôi không nghĩ được gì, chỉ nhìn sững vào khuôn mặt thâm trầm sẵn có của người Trung Hoa, vẻ phức tạp, khó đoán nội tâm của nó khiến tôi tự hỏi không biết vẻ mặt của bản thân mình lúc này như thế nào. Nhưng hình như không có sự sợ hãi trong tâm trí mà chỉ có một cảm xúc hơi nặng nề khó tả. Tôi nhìn vết sẹo trên chân anh. Vết sẹo dễ gây liên tưởng tới tới những bộ phim hành động: khi bị thương người hùng sẽ trốn ở hẻm núi hoang vắng, lấy lửa hơ vào dao rồi khoét mạnh vào vết thương lấy đạn ra… Vết đạn trên chân anh cũng nham nhở y như vậy. Và nó rất thật. Chiến tranh đã quá xa nhưng vết sẹo lộn xộn kia lại quá gần. Bất giác tôi lắc đầu.

Người đàn ông lái xe tới cửa ga rồi dừng lại. Anh không bảo tôi xuống và tôi cũng không có ý muốn xuống ngay, cứ đăm đăm vào một góc vô định trong không gian nhỏ hẹp của chiếc xe. Anh nhìn tôi rồi kéo quần xuống lại như cũ:

– Dẫu sao thì tôi thấy nhẹ nhàng khi đã nói chuyện với em, gần 20 năm rồi tôi mới gặp lại người Việt Nam đấy. Tôi cũng không ngờ là mình có thể bình tĩnh như vậy khi kể chuyện với em về cuộc chiến đó. Mong lần sau em trở lại Đại Liên vào mùa hè, tôi sẽ đưa em đi chơi miễn phí.

Tôi cảm ơn và đưa cho anh 30 tệ, cái giá cho chuyến đi khứ hồi và câu chuyện về cả một quãng đời. Người đàn ông giúp tôi đeo lại ba lô, dáng điệu chất phác như một người anh lo liệu cho em gái. Tôi cảm ơn một lần nữa và quay người bước đi. Những người tài xế taxi gần đó dường như quen anh đều ngạc nhiên và hỏi: “Ai đấy?” Anh đáp: “Các ông biết không? Tiểu cô nương kia là người Việt Nam”.

Trong tiếng loa gọi vang vang, tôi chỉ kịp nghe thấy mấy tiếng ồ lên ngạc nhiên rồi vào hẳn bên trong cửa kính. Ở một góc nào đó trên thẻ nhớ máy ảnh của tôi, người lái xe đang vẫy chào, nụ cười nhẹ như làn nắng cuối chiều buông xuống thành phố biển. Tôi quên không hỏi tên anh.

Chú thích ảnh: Đêm 28.12.2008, ở cửa Bắc thành Hà Nội có nhiều cờ đỏ mừng chiến thắng bóng đá. Sáng, trưa, chiều, tối và đêm của tất cả các ngày trong năm, ở cửa Bắc thành Hà Nội có hai vết đạn đại bác, dấu tích của một trong những lần mất nước gần đây.

Posted in Uncategorized | 5 Comments »

Tốt nhất là chuồn đi thôi

Posted by tranthutrang trên Tháng Hai 15, 2009

Càng ngày càng mất cảm tình với cái bọn Yahoo.

Mail thì toàn spam.
Answer thì toàn bọn trả lời ngu lại còn gian lận.
Blog thì lỗi lên lỗi xuống, lại còn lắm đứa đi quảng cáo bừa bãi.

Tóm lại, bạn Thieu_iot cool&warm blogger cần một cái blog mới. Ở đâu, ở đâu, ở đâu?

Posted in Uncategorized | 12 Comments »

Trăng mật…

Posted by tranthutrang trên Tháng Hai 7, 2009

… của “khách hàng”.

Model: Trung Hiếu – Bảo Anh
Make up: Tự nhiên
Stylist&Photo&Photoshop: Kẻ mà ai cũng biết là ai đấy

https://i0.wp.com/farm4.static.flickr.com/3333/3247166023_d5f07e3cd8_o.jpg

https://i0.wp.com/farm4.static.flickr.com/3387/3247994812_87d9f76127_o.jpg

https://i0.wp.com/farm4.static.flickr.com/3318/3247166175_a15b6214fa_o.jpg

https://i0.wp.com/farm4.static.flickr.com/3263/3247994304_2e350e6e12_o.jpg

Chú thích ảnh đính kèm: Đôi “khách hàng” đầu tiên trong năm Kỷ Sửu của em, chi tiết tường thuật tại http://www.xomnhiepanh.com/gallery.php?do=album_detail&album_id=2504.

Posted in Uncategorized | 4 Comments »

Như mọi năm, ảnh Tết

Posted by tranthutrang trên Tháng Một 28, 2009

Góc phố Khâm Thiên, nhái theo tác phẩm chụp từ những năm 90 của một nhiếp ảnh gia đến nay em vẫn chưa biết tên (ảnh đính kèm phía trên).
user posted image

Tiếp tục phố Khâm Thiên, không nhái ảnh ai.
user posted image

Hàng Ngang – Hàng Đào và Hồ Gươm, cũng không nhái ảnh ai (dù trông hơi bị quen).
user posted image

user posted image

Posted in Uncategorized | 13 Comments »

Tết qua những màu kính áp tròng

Posted by tranthutrang trên Tháng Một 27, 2009

Tản văn đăng trên Sành Điệu số Tết

Năm nay xuân về sớm. Giáng sinh vừa xong, mùi vị gà tây nấu hạt dẻ trong bữa tiệc réveillon còn chưa phai trên đầu môi, tiếng chuông nhà thờ và những nốt nhạc cuối của bài Silent night còn chưa thôi vang vọng… trong iPod, đã lại thấy những cảm xúc Tết ùa vào chiếm hữu mọi giác quan. Ở một văn phòng mà từ sếp tới nhân viên hầu hết đều là người trẻ độc thân, những câu chuyện liên quan đến việc sắm sửa đón Tết xem ra cũng khác. Không nhiều những lo toan về chất lượng giá cả măng miến gà qué đầy đảm đang, cũng ít những bàn tán về việc sửa nhà tậu đồ đầy vun vén, thang máy cabin chật căng những mối quan tâm vô tư và lạ lẫm hơn. Biết so sánh thế nào nhỉ? Cùng một cái Tết ấy nhưng người ít-trẻ-không-độc-thân ngắm nghía nó qua cặp kính gọng sừng hay gọng vàng cổ điển, người-trẻ-độc-thân thì nhìn qua đôi mẩu chất dẻo hay được gọi là kính áp tròng, rõ tân thời. Chẳng những không có chiếc gọng nào ngăn cản nên tầm nhìn hình như được mở rộng thêm, kính áp tròng còn có nhiều màu hơn, dễ biến đổi hơn. Tết vì vậy cũng có thể mang nhiều sắc thái khác lắm.

Tết qua đôi kính áp tròng màu tím

Màu tím thường được gắn với sự lãng mạn. Khi còn trẻ trung, chưa bị những kinh nghiệm cuộc đời làm cho cay đắng và thực dụng, người ta thường mơ mộng đặt niềm tin vào những điều lý tưởng. Tết, với những ngày dài nhàn rỗi cùng những sự kiện không đặc biệt thì cũng khác biệt, là một điều kiện tốt để họ thể hiện điều đó. Một anh chàng ấp ủ ý định rủ cô gái mà anh đang để ý đi chợ hoa từ sáng sớm hôm 30, để được nắm tay nàng, tặng nàng bó hoa còn đẫm sương và đưa nàng về (về nhà nàng thôi chứ chưa về dinh) trong tia nắng đầu tiên của ngày cuối cùng của năm. Gần đến ngày nghỉ, những thiếu nữ chưa có ý trung nhân chẳng biết nghe lời thầy nào cứ bảo nhau rằng, nếu xuất hành đầu năm vào đúng giờ ấy hướng ấy sẽ gặp bạch mã hoàng tử (tức chàng đẹp trai đi xe máy trắng) đứng đợi ở cuối đường. Tết đến, những đôi tình nhân cả năm quanh quẩn sáng đưa chiều đón nhàm chán chợt tìm ra vô số không gian cũng như thời gian để refresh việc yêu đương: một nụ hôn trên nền pháo hoa rực sáng của đêm giao thừa, một khoảnh khắc im lặng thong thả đi bên nhau giữa đường phố vắng tanh, một cái ôm mừng khi cùng thắng trong trò chơi giữa hội làng… Đấy, toàn những hoạt động truyền thống của ngày xuân, đâu có gì lạ lẫm, thế mà trong mắt người trẻ, chúng lại mang một ý nghĩa khác hẳn. Bởi những đôi mắt xuân thì ấy được ngăn cách với bên ngoài bằng một lớp kính áp tròng màu tím kia mà!

Tết qua đôi kính áp tròng màu xanh

Bản thân trong chữ “thanh niên” đã chứa tới 50% hàm lượng màu xanh (trong tiếng Hán, chữ “thanh” của từ “thanh niên” còn có nghĩa là sắc xanh). Không nghi ngờ gì nữa, đây đích thực là gam màu của giới trẻ, nó tượng trưng cho rất nhiều phẩm chất mà một người trẻ sở hữu, tươi vui, trong sáng, năng động và không vụ lợi. Tết qua đôi kính áp tròng màu xanh sẽ hẳn sẽ thiếu vắng những cảnh tiệc tùng thừa mứa bia rượu bét nhè hay những cảm xúc có phần uỷ mị theo kiểu “xuân này con không về” hay “hoa xuân vẫn cười mà trời xuân vẫn mưa rơi”. Thay vào đó sẽ là những chuyến đi xa khám phá vùng đất mới. Bao nhiêu chuyến du lịch được những phượt gia trẻ tổ chức tranh thủ kỳ nghỉ Tết, nào lên Lũng Cú đón cái rét của buổi sớm mùa xuân cực Bắc Tổ quốc, nào thăm đất mũi Cà Mau- “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” của Việt Nam, nào ngắm hoa xuân ăn tiệc năm mới ở các nước xa gần… những điểm đến cứ vươn xa, vươn xa mãi. Không chỉ mang theo dao đa năng Thuỵ Sĩ hay máy ảnh kỹ thuật số, người trẻ còn lên đường với cả tấm lòng rộng mở và bàn tay sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia. Gần Tết, đọc thấy trên mạng những blogger trẻ đang nhắn nhau giữ lại từng cuốn lịch của năm cũ để làm sách chữ nổi cho người khiếm thị, gọi nhau quyên góp mứt kẹo cho trẻ em mồ côi, hẹn nhau đi dọn nhà, gói bánh chưng giúp một bà mẹ liệt sĩ neo đơn, chợt thấy mùa xuân sáng bừng một màu xanh hy vọng.

Tết qua đôi kính áp tròng màu hạt dẻ

Đôi mắt màu hạt dẻ thường gợi cho người đối diện cảm giác ấm áp, bình yên. Không phải người trẻ nào cũng nhìn thấy mùa xuân qua những hoạt động sôi nổi náo nhiệt. Cũng có những người chỉ tận hưởng một kỳ nghỉ dường như tẻ nhạt, cuộn trong chăn ngủ nướng tới trưa, xem DVD Táo quân, ăn những món ngon mẹ nấu và vừa ngáp vừa đếm đi đếm lại những phong bao lì xì mỗi năm một thưa… Mới nghe qua, những người trẻ vốn tự tin năng động khác có thể bĩu môi chê họ là Tết nhất gì mà trì trệ lười biếng, nhưng này, nếu cả năm người ta đã phải tự tin năng động trong đủ mọi lĩnh vực đến phát trét (stress) thì cũng nên dành cho họ một khoảng thời gian tĩnh lặng để sạc lại pin cho tâm trí chứ nhỉ! Rồi đến ngày làm việc đầu tiên của năm mới họ sẽ lại chăm chỉ và linh hoạt thôi mà.

Ngoài cửa hiệu kính thuốc có bao nhiêu màu kính áp tròng, Tết của người trẻ có bấy nhiêu sắc thái, màu mật ong ngọt ngào, màu hồng tía ấn tượng, thậm chí cả màu xám tro lạnh lùng… Này bạn, Tết này kính áp tròng của bạn màu gì?

——————————————

Tái bút: Năm nay em ăn Tết màu hạt dẻ các bạn nhé.
Ảnh: Huỳnh Trung Hiếu

Posted in Uncategorized | 9 Comments »